Liệu bạn có bao giờ cảm thấy chán nản với công việc hiện tại (dù cho bạn kiếm được nhiều tiền, mới được thăng chức, có được vị trí cao, tìm được việc làm theo đúng ngành học của mình…) mà không hiểu lí do vì sao? Bạn bồn chồn, bứt rứt, khó chịu khi mọi thứ trông có vẻ như rất ổn, nhưng bạn lại không cảm thấy thỏa mãn và hạnh phúc. Vậy thì có lẽ đã đến lúc bạn cần thời gian để nhìn nhận lại bản thân và tìm ra giá trị trong công việc của riêng mình rồi đấy!
Giá trị cá nhân là gì?
Giá trị cá nhân là những niềm tin của bạn về cuộc sống, về con người bạn hiện tại và về con người mà bạn muốn trở thành. Đây là những ‘luật ngầm’ có ảnh hưởng lớn tới cách bạn ra quyết định, cách bạn hành động, sắp xếp thứ tự ưu tiên, đặt mục tiêu và là thước đo về cuộc sống mà bạn mong ước, dù cho bạn có nhận ra hay không. Khi những hành động của bạn khớp với giá trị cá nhân, bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn và hạnh phúc. Ngược lại, nếu hành động của bạn xung đột với những giá trị này, trong thâm tâm bạn sẽ luôn cảm thấy bứt rứt, khó chịu, và không đạt được sự thỏa mãn. Giá trị cá nhân trong công việc của bạn là những giá trị có liên quan, tác động tới khía cạnh nghề nghiệp. Đây là những nguyên tắc, chỉ dẫn đóng vai trò quan trọng đối với quá trình làm việc, bao gồm: sự lựa chọn nghề nghiệp, phong cách làm việc, định nghĩa của bạn về thành công, cách bạn lên kế hoạch và thiết lập mục tiêu, động lực làm việc, đam mê… Ví dụ về các giá trị trong công việc có thể kể đến như: sự trung thực, sự uy tín, sự phục vụ, sự tôn trọng, hòa bình, thành tựu, sự độc lập…
GIÁ TRỊ BÊN TRONG (INTRINSIC VALUE) VÀ GIÁ TRỊ BÊN NGOÀI (EXTRINSIC VALUE)
Chúng ta đều sở hữu cả hai loại giá trị cá nhân: Giá trị bên trong và Giá trị bên ngoài. Giá trị bên trong là những gì bạn không nhìn thấy được, có liên quan trực tiếp tới mong muốn của bản thân bạn. Trong công việc, đây là các giá trị đem lại cho bạn cảm giác hứng thú với nghề nghiệp, động lực làm việc. Nói theo cách khác, đây là lý do khiến bạn muốn thức dậy vào mỗi sáng và mong ngóng đến chỗ làm. Một số ví dụ về các Giá trị bên trong bao gồm:
- Giúp đỡ: Được hỗ trợ những người khác giải quyết vấn đề của họ.
- Đa dạng: Được thực hiện nhiều nhiệm vụ, hoạt động khác nhau, không theo lịch trình cố định.
- Tôn trọng: Nhận được nhiều sự tín nhiệm, đối đãi tốt.
- Thử thách: Được trải nghiệm, thực hiện các nhiệm vụ mang tính mới mẻ, khó khăn, nguy hiểm.
- Độc lập: Được làm việc và ra quyết định theo ý mình.
- Hợp tác: Thường xuyên được làm việc, trao đổi, tương tác cùng với nhiều người.
- Sáng tạo: Được tự do lên ý tưởng, sử dụng sự sáng tạo của bản thân.
- Sức ảnh hưởng: Được tạo ảnh hưởng lên những người khác.
Giá trị bên ngoài liên quan tới những gì mà bạn có thể đạt được. Trong công việc, đây là những điều bạn có thể nhìn thấy như phần thưởng hay điều kiện làm việc. Một số ví dụ của Giá trị bên ngoài bao gồm: có được lương cao, sự công nhận, sự ổn định, được thăng tiến trong công việc….
GIÁ TRỊ CÁ NHÂN CÓ Ý NGHĨA NHƯ THẾ NÀO ĐỐI VỚI CÔNG VIỆC?
Những giá trị cá nhân luôn tồn tại, chi phối các hành động và suy nghĩ của bạn, cho dù bạn có nhận ra hay không. Việc chủ động tìm hiểu giá trị cá nhân trong công việc là cần thiết vì điều này sẽ giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn rất nhiều. Thông thường khi chưa hiểu giá trị của mình, phần lớn mọi người sẽ tìm kiếm việc làm vì nhiều lý do khác nhau, và có thể dừng chân ở những công việc không có nhiều tương đồng với giá trị của họ. Sự mâu thuẫn này sẽ dần tạo ra cảm giác chán nản, bất mãn đối với công việc, từ đó đánh mất năng suất, động lực làm việc và giảm khả năng thành công của một người.
- Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn là người đề cao giá trị Gia đình nhưng phải làm việc tới 70 tiếng một tuần, liệu bạn có cảm thấy hạnh phúc? Dù bạn có thể quen dần với thời gian làm việc kéo dài, nhưng trong bạn sẽ luôn tồn tại sự căng thẳng, áp lực và khó chịu khi không có đủ thời gian dành cho Gia đình – điều mà bạn coi trọng. Tương tự, nếu bạn là người đề cao giá trị Hòa bình và không có nhu cầu cạnh tranh trong công việc, nhưng lại làm việc trong một môi trường mang tính ganh đua, cạnh tranh cao như Bán hàng – Kinh doanh, liệu bạn có vui vẻ với nghề nghiệp của mình? Về lâu dài, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, mất đi động lực và giảm năng suất trong công việc.
Như vậy, chúng ta có thể thấy việc xác định giá trị cá nhân trong công việc là vô cùng quan trọng. Khi đã hiểu những ‘luật ngầm’ này, bạn sẽ thiết lập được các kế hoạch và đưa ra quyết định nghề nghiệp phù hợp với giá trị để đạt được sự thỏa mãn nghề nghiệp mong muốn.
Không chỉ quan trọng đối với mỗi cá nhân, giá trị trong công việc cũng có ảnh hưởng lớn tới cách vận hành của một doanh nghiệp và sự hợp tác giữa các thành viên trong doanh nghiệp đó. Giá trị trong một tổ chức/doanh nghiệp còn được gọi là Văn hóa doanh nghiệp. Các giá trị này cho thấy doanh nghiệp đó thực sự quan tâm tới điều gì và hướng đến mục tiêu như thế nào. Điều quan trọng là giá trị cá nhân của từng thành viên trong doanh nghiệp cần phải có sự tương đồng với Văn hóa doanh nghiệp. Khi điều này xảy ra, mọi người trong tổ chức sẽ hiểu nhau hơn, gắn kết hơn, từ đó xây dựng được những mối quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp, tạo dựng bầu không khí làm việc thoải mái và tăng năng suất làm việc. Sự tương đồng về giá trị cũng giúp cho tổ chức hành động nhất quán và cùng hướng tới mục tiêu chung, giúp tăng khả năng đạt được kết quả mong muốn.
Ngược lại, khi các giá trị bị xung đột, mỗi người sẽ làm việc với năng suất khác nhau, mục đích khác nhau, và tạo ra những kết quả khác nhau. Điều này có thể làm tổn hại tới các mối quan hệ, giảm khả năng sáng tạo, giảm sự thỏa mãn trong công việc và hoạt động kém hiệu quả. Trong những trường hợp này, việc hiểu giá trị cá nhân thực sự hữu ích để giúp chúng ta tìm kiếm môi trường làm việc thuận lợi nhằm phát huy tối đa năng lực của mình. Các nhà tuyển dụng cũng nên đặc biệt lưu ý để tuyển nhân viên có cùng giá trị với Văn hóa của doanh nghiệp nhằm đảm bảo hiệu quả làm việc.
Các giá trị nói chung thường có định nghĩa cũng như tính chất cố định. Tuy nhiên, khi đi qua các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, tùy thuộc vào hoàn cảnh sống và điều bạn coi trọng, thứ tự ưu tiên mà giá trị trong công việc của bạn có thể thay đổi. Ví dụ: khi bạn mới bắt đầu sự nghiệp, thành công – được đo đếm bởi tiền bạc và địa vị – có thể là ưu tiên hàng đầu của bạn. Tuy nhiên khi bạn bắt đầu xây dựng gia đình, sự cân bằng giữa công việc và gia đình lại là điều mà bạn hướng tới nhiều hơn. Khi định nghĩa về thành công của bạn thay đổi, bạn cũng sẽ thay đổi các giá trị của mình. Đây là lí do vì sao việc thường xuyên nhìn nhận bản thân và xác định lại các giá trị của mình là quan trọng, đặc biệt khi bạn bắt đầu cảm thấy thiếu cân bằng, bứt rứt, khó chịu… nhưng chưa tìm được nguyên nhân phù hợp.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ CÔNG VIỆC CỦA BẠN?
Khi xác định các giá trị của bản thân nghĩa là bạn đang khám phá những gì thực sự quan trọng đối với mình. Để làm được điều này, bạn sẽ cần có khả năng tự nhìn nhận một cách chính xác về mình. Các bước sau đây sẽ hỗ trợ bạn trong quá trình tự đánh giá bản thân để tìm được giá trị mà bạn coi trọng.
BƯỚC 1: XÁC ĐỊNH KHOẢNG THỜI GIAN MÀ BẠN CẢM THẤY THOẢI MÁI, VUI VẺ NHẤT
Hãy suy nghĩ về những trải nghiệm của bạn trong quá khứ, từ cả cuộc sống cá nhân và cả trong công việc (điều này sẽ bảo đảm rằng bạn đưa ra một câu trả lời cân bằng). Sau đó trả lời các câu hỏi sau đây:
- Bạn đang làm gì vào thời điểm đó?
- Bạn có đang ở cùng với người khác không? Nếu có thì người đó là ai?
- Còn có những yếu tố nào khác đóng góp tới sự thoải mái, vui vẻ của bạn?
BƯỚC 2: XÁC ĐỊNH KHOẢNG THỜI GIAN MÀ BẠN CẢM THẤY TỰ HÀO VỀ BẢN THÂN NHẤT
Tương tự như trên, hãy suy nghĩ về những trải nghiệm của bạn trong quá khứ, từ cả cuộc sống cá nhân và cả trong công việc, rồi trả lời các câu hỏi sau:
- Vì sao bạn cảm thấy tự hào về mình?
- Có những người khác cùng chia sẻ với bạn không? Nếu có thì đó là ai?
- Những yếu tố khác có ảnh hưởng tới cảm giác tự hào của bạn là gì?
BƯỚC 3: XÁC ĐỊNH KHOẢNG THỜI GIAN MÀ BẠN CẢM THẤY THỎA MÃN NHẤT
Tương tự, hãy suy nghĩ về những trải nghiệm của bạn trong quá khứ, từ cả cuộc sống cá nhân và cả trong công việc, rồi trả lời các câu hỏi sau:
- Nhu cầu hay mong muốn, khao khát nào của bạn được thỏa mãn?
- Vì sao và bằng cách nào mà trải nghiệm đó có ý nghĩa đối với bạn?
- Còn những yếu tố nào khác đóng góp tới cảm giác thỏa mãn của bạn?
BƯỚC 4: XÁC ĐỊNH NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA BẠN DỰA TRÊN CÁC TRẢI NGHIỆM TRONG QUÁ KHỨ VỀ SỰ THOẢI MÁI, CẢM GIÁC TỰ HÀO VÀ THỎA MÃN
Dưới đây là một vài giá trị phổ biến kèm theo định nghĩa. Khi đọc danh sách này, bạn hãy suy nghĩ về mức độ quan trọng của giá trị đó đối với bản thân trong công việc, sau đó cho điểm các giá trị dựa theo mức độ mà bạn cho là quan trọng đối với mình, trên thang điểm từ 1 (không quan trọng) đến 5 (rất quan trọng):
- Thành tựu: Làm các công việc tạo ra kết quả thực tế và hiệu quả.
- Độc lập: Được làm việc và ra quyết định theo ý mình, không có hoặc có ít sự giám sát.
- Công nhận: Nhận được sự tôn trọng, sự chú ý và phần thưởng từ kết quả công việc.
- Tính chuyên môn: Được biết tới như một người sở hữu kiến thức và kỹ năng chuyên môn tốt.
- Cân bằng: Có thể dành thời gian cho cả công việc và cuộc sống cá nhân.
- Cạnh tranh: Làm các công việc có tính chất thi đua với những người khác để đạt được kết quả.
- Linh hoạt: Được tự lên kế hoạch và phong cách làm việc cho mình.
- Mối quan hệ: Có được những mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp và khách hàng.
- Điều kiện làm việc thoải mái: Được làm việc trong một môi trường mà mình cảm thấy không bị áp lực, cường độ cao.
- Uy tín: Có được chỗ đứng cao, vị trí cao, được coi trọng trong nghề.
- Sự ổn định: Có được một nghề nghiệp ổn định, đảm bảo khả năng không bị thất nghiệp về lâu dài.
- Hợp tác: Được làm việc cùng với nhiều người.
- Thu nhập: Nhận được mức lương cao trong công việc.
- Lãnh đạo: Được giám sát/quản lý những người khác.
- Sáng tạo: Được lên ý tưởng, sử dụng sự sáng tạo của bản thân trong công việc.
- Đa dạng: Được thực hiện nhiều nhiệm vụ, hoạt động khác nhau trong công việc.
- Thử thách: Được thử sức với các nhiệm vụ mới hay khó khăn với bản thân.
- Tính nghệ thuật: Công việc cho phép bộc lộ tài năng nghệ thuật.
Ngoài ra, bạn có thể thực hiện các bài Trắc nghiệm về Giá trị Công việc để có được kết quả chính xác và đầy đủ hơn.
BƯỚC 5: XÁC ĐỊNH THỨ TỰ ƯU TIÊN ĐỐI VỚI CÁC GIÁ TRỊ CỦA BẠN
Trên thực tế, rất khó để tìm thấy một công việc thỏa mãn tất cả các giá trị mà bạn mong muốn, nên việc sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các giá trị công việc là điều cần thiết. Đây có lẽ là bước khó khăn nhất, tuy nhiên cũng là bước quan trọng nhất, vì trong quá trình ra quyết định, bạn sẽ phải trải qua sự đấu tranh nội tâm để lựa chọn giữa các giá trị. Từ đó bạn sẽ biết giá trị nào quan trọng hơn và có các quyết định nghề nghiệp phù hợp với mình.
- Hãy viết ra những giá trị mà bạn đánh giá 5 điểm (rất quan trọng), không cần theo một thứ tự nào cả.
- Nhìn vào 2 giá trị đầu tiên trong danh sách và tự hỏi bản thân: “Nếu tôi phải hi sinh một trong hai giá trị này, đó sẽ là giá trị nào?” Sau đó tưởng tượng ra các tình huống mà trong đó bạn bắt buộc phải lựa chọn 1 trong 2 giá trị để đưa ra quyết định chính xác hơn. Ví dụ: nếu bạn so sánh hai giá trị Sự phục vụ và Sự ổn định, hãy tưởng tượng rằng bạn phải quyết định bán nhà và chuyển tới sống ở một đất nước khác để theo đuổi một công việc tình nguyện, hay giữ lại căn nhà và tìm kiếm một công việc tình nguyện khác ở gần nhà.
- Tiếp tục làm theo cách này cho tới cuối danh sách theo từng cặp giá trị, và sắp xếp lại giá trị của bạn theo trật tự từ quan trọng nhất tới ít quan trọng nhất.
BƯỚC 6: KHẲNG ĐỊNH LẠI CÁC GIÁ TRỊ CỦA MÌNH
Hãy một lần nữa kiểm tra các giá trị thuộc ưu tiên hàng đầu của bạn, và đảm bảo rằng chúng phù hợp với cuộc sống cũng như tầm nhìn của bạn về tương lai.
- Những giá trị này có khiến cho bạn cảm thấy bản thân mình tốt đẹp không?
- Bạn có cảm thấy tự hào về 3 giá trị quan trọng nhất với mình không?
- Bạn có cảm thấy thoải mái khi nói cho những người xung quanh biết về các giá trị của bạn?
- Những giá trị này có đại diện cho những gì mà bạn sẽ ủng hộ, ngay cả khi sự lựa chọn của bạn khác với số đông?
Khi bạn cân nhắc các giá trị trong quá trình sắp xếp thứ tự ưu tiên ở bước 5, hay đảm bảo rằng bạn luôn chân thật với bản thân và làm những gì mà bạn cảm thấy đúng, đưa ra quyết định với một sự chắc chắn và tự tin. Những quyết định như thế này có thể không dễ dàng và cần nhiều thời gian, tuy nhiên khi bạn đã hiểu được mình muốn gì, bạn sẽ thu được những lợi ích lâu dài trong sự nghiệp và cuộc sống.