Thuyết Lựa chọn nghề nghiệp (hay còn được gọi là Mô hình RIASEC hoặc Mật mã Holland) được phát triển bởi Tiến sĩ John Holland, là một thuyết nổi tiếng trong tâm lý học nhằm phân loại các cá nhân dựa trên đặc điểm tính cách, sở thích và kết nối họ với xu hướng nghề nghiệp phù hợp.
MẬT MÃ HOLLAND LÀ GÌ?
Tiến sĩ Holland cho rằng nghề nghiệp được hình thành thông qua quá trình tương tác giữa tính cách của cá nhân với môi trường xung quanh. Khi lựa chọn nghề nghiệp, cá nhân thường thích các nghề mà họ được làm việc, hợp tác với những người tương đồng với tính cách của mình. Do vậy, họ có xu hướng tìm kiếm những môi trường mang lại cảm giác thoải mái – nơi họ được tự do bộc lộ những thái độ và giá trị của mình, đồng thời cho phép họ sử dụng các kỹ năng và kiến thức để giải quyết các vấn đề chuyên môn tương ứng.
Lý thuyết Lựa chọn nghề nghiệp của Holland đưa ra 6 xu hướng nghề nghiệp (hay môi trường nghề nghiệp) bao quát và điển hình nhất trong thế giới việc làm, kèm theo đó là 6 kiểu phân loại tính cách và sở thích đặc trưng cho từng xu hướng cụ thể. Những xu hướng này bao gồm:
- Thực tế – R (realistic)
- Khám phá – I (Investigative)
- Sáng tạo – A (artistic)
- Xã hội – S (social)
- Thử thách – E (enterprising)
- Tổ chức – C (Conventional)
Mật mã Holland có thể giúp bạn kết nối các đặc điểm mang tính cá nhân với nghề nghiệp trong mơ mà bạn đang tìm kiếm. Bằng việc nhận diện xu hướng nghề nghiệp điển hình của bản thân, bạn sẽ có khả năng phát huy được tối đa tiềm năng và thế mạnh của mình để đạt mức phát triển và sự thỏa mãn nghề nghiệp mà bạn mong muốn.
ĐẶC ĐIỂM CỦA MẬT MÃ HOLLAND
Mật mã Holland được biểu thị dưới dạng một hình lục giác, với 6 đỉnh là 6 xu hướng nghề nghiệp điển hình. Những đỉnh ở càng gần nhau thể hiện rằng chúng có nhiều đặc điểm tương đồng hơn, và những đỉnh ở đối lập cho thấy đây là các xu hướng có đặc điểm mang tính trái ngược. Mỗi xu hướng nghề nghiệp trong Mật mã Holland mô tả các nhiệm vụ và hoạt động đặc trưng thường được thực hiện trong công việc tương ứng. Bên cạnh đó, mô hình cũng liệt kê các đặc điểm cá nhân (bao gồm tính cách, giá trị, động lực, và sở thích) của những người sẽ yêu thích và phù hợp với từng công việc trong các xu hướng.
Nhóm người Thực tế (Realistic – Doers)
- Đặc điểm: Những người thuộc nhóm thực tế thích làm việc với đồ vật (dụng cụ, máy móc, thiết bị), động vật hoặc cây cối. Họ thường được mô tả là những người thực tế, khiêm tốn, kiên trì và trung thực. Họ cũng có xu hướng quyết đoán, cạnh tranh, và thích thú với các hoạt động cần nhiều sự vận động cơ thể, các kỹ năng và sức mạnh thể lực. Họ tiếp cận với việc giải quyết vấn đề bằng cách làm các công việc thực tế, rõ ràng, có thể nhìn thấy được quá trình và kết quả, hơn là chỉ nói về vấn đề hay ngồi suy nghĩ về vấn đề. Họ cũng thích các cách giải quyết cụ thể, mang tính ứng dụng cao hơn những lý thuyết trừu tượng. Sở thích của họ có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực khoa học tự nhiên hay vật liệu, cơ khí, hơn là các khía cạnh văn hóa và nghệ thuật.
- Một số kỹ năng thường được sử dụng:
- Sử dụng và vận hành các dụng cụ, thiết bị, máy móc
- Xây dựng, chế tạo, thiết kế, sửa chữa, bảo trì, đo đạc
- Làm các công việc thủ công và chi tiết, cần hoạt động thể chất nhiều
- Làm việc với đồ vật, động vật hoặc thực vật
- Một số nghề nghiệp điển hình: Nhà nông nghiệp, Kiến trúc sư, Vận động viên, Thợ mộc, Đầu bếp, Nhà hóa học, Kỹ sư máy tính, Kỹ sư lập trình, Nha sĩ, Kỹ sư cơ khí, Lính cứu hỏa, Thợ điêu khắc, Người mẫu, Lái xe, Bác sĩ phẫu thuật, Bác sĩ thú y, Huấn luyện viên thể thao, Nhà khảo cổ học,…
Nhóm người Khám phá (Investigative – Thinkers)
- Đặc điểm: Những người thuộc nhóm Khám phá thích làm việc với ý tưởng và dữ liệu. Họ thường được mô tả là những người có tư duy logic, tò mò, cẩn thận, độc lập, thông minh, khiêm tốn và trầm tính. Khi giải quyết vấn đề, họ thường đặt nhiều câu hỏi, suy nghĩ và quan sát, sau đó tổng hợp dữ liệu, tổ chức và phân tích thông tin. Họ cũng thích làm việc độc lập, thích các hoạt động cá nhân hoặc làm việc trong nhóm nhỏ hơn là các hoạt động cần sự tham gia của nhiều người.
- Một số kỹ năng thường được sử dụng:
- Suy nghĩ logic, phân tích, tính toán
- Giao tiếp chủ yếu thông qua viết hoặc trình bày để giải quyết vấn đề
- Thiết kế, chẩn đoán, đặt vấn đề, thí nghiệm, điều tra
- Một số nghề nghiệp điển hình: Nhà sinh vật học, Nhà hóa học, Kỹ sư máy tính, Nhà tham vấn tâm lý, Bác sĩ, Dược sĩ, Chuyên gia dinh dưỡng, Nhà kinh tế học, Nhà phân tích tài chính, Luật sư, Nhà vật lý học, Nhà tâm lý học, Nhà động vật học, Tiến sĩ, Giáo sư thuộc các ngành trong trường đại học,…
Nhóm người Sáng tạo (Artistic – Creators)
- Đặc điểm: Những người thuộc nhóm Sáng tạo thích làm việc với ý tưởng và sự sáng tạo. Họ thường được mô tả là cởi mở, sáng tạo, độc đáo, nhạy cảm, bốc đồng và khác biệt. Họ không thích tuân theo các quy tắc và luật lệ hay làm các công việc lặp đi lặp lại, mà có hứng thú với các công việc có tính mới mẻ, cần vận dụng khả năng sáng tạo để giải quyết vấn đề hay tạo ra sản phẩm. Do vậy họ thường cảm thấy hứng thú và bị thu hút với các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, thẩm mỹ…
- Một số kỹ năng thường được sử dụng:
- Tạo ra các sản phẩm có tính nghệ thuật, thẩm mỹ, sáng tạo
- Trình bày, viết, vẽ, ca hát, biểu diễn, nhảy múa
- Lên kế hoạch, soạn thảo, thiết kế
- Một số nghề nghiệp điển hình: Nhà thiết kế nội thất, Nhà thiết kế thời trang, Nhà thiết kế đồ họa, Họa sĩ, Thợ điêu khắc, Nhạc sĩ, Ca sĩ, Nhà thơ, Nhà văn, Nhiếp ảnh gia, Diễn viên, Diễn viên múa, Biên tập viên, Phiên dịch viên, Chuyên viên marketing,…
Nhóm người Xã hội (Social – Helpers)
- Đặc điểm: Những người thuộc nhóm Xã hội thích làm việc với con người, họ cảm thấy hứng thú với việc giúp đỡ những người xung quanh hay làm các công việc giảng dạy, đào tạo, huấn luyện. Họ thường được mô tả là những người tốt bụng, có trách nhiệm, ấm áp, hợp tác, thân thiện, tốt bụng, hào phóng và kiên nhẫn. Họ có xu hướng tìm kiếm cũng như hình thành các mối quan hệ gần gũi với những người xung quanh.
- Một số kỹ năng thường được sử dụng:
- Giao tiếp bằng lời nói hay viết
- Chăm sóc và hỗ trợ, đào tạo, giảng dạy
- Gặp gỡ, giao lưu, phỏng vấn
- Một số nghề nghiệp điển hình: Nhà hoạt động xã hội, Nhà tham vấn/tư vấn tâm lý, Nhà trị liệu tâm lý, Nhân viên công tác xã hội, Nhân viên chăm sóc khách hàng, Giáo viên, Giảng viên, Nhà đào tạo, Chuyên viên nhân sự, Y tá, Điều dưỡng, Nhà ngoại giao,…
Nhóm người Thử thách (Enterprising – Persuaders)
- Đặc điểm: Những người thuộc nhóm Thử Thách thích làm việc với ý tưởng và con người. Họ thường được mô tả là dễ gần, năng động, lạc quan, quảng giao, liều lĩnh và tự tin. Họ có khả năng giao tiếp tốt và có thể sử dụng năng lực này để thuyết phục, thương lượng, tạo ảnh hưởng lên người khác, thuyết trình, lãnh đạo hay quản lý một đội nhóm vì một mục tiêu chung. Họ cũng coi trọng các giá trị như danh tiếng, quyền lực và địa vị xã hội.
- Một số kỹ năng thường được sử dụng:
- Bán hàng, kinh doanh, quảng cáo, phát triển ý tưởng
- Thương lượng, thuyết phục, thuyết trình
- Quản lý, tổ chức, lãnh đạo, lên kế hoạch
- Một số nghề nghiệp điển hình: Nhà kinh doanh – khởi nghiệp, Nhân viên bán hàng, Nhân viên bất động sản, Đại lý du lịch, Chính trị gia, Đại lý kinh doanh/phân phối sản phẩm, Nhà gọi vốn đầu tư, Quản lý, Giám đốc các doanh nghiệp, Nhà sản xuất truyền hình,…
Nhóm người Tổ chức (Conventional – Organizer)
- Đặc điểm: Những người thuộc nhóm Tổ chức thích làm việc với dữ liệu, con số và văn bản, giấy tờ. Họ thường được mô tả là những người thực tế, cẩn thận, năng suất, tổ chức và kiên trì. Họ cảm thấy thoải mái với các luật lệ, quy định, và các hoạt động mang tính ổn định, do vậy phù hợp làm việc trong các môi trường có tính cấu trúc cao và sự tổ chức chặt chẽ. Họ cũng coi trọng các giá trị như danh tiếng, quyền lực và địa vị xã hội.
- Một số kỹ năng thường được sử dụng:
- Đánh máy, soạn thảo, lưu trữ, phân loại, tổ chức, sắp xếp
- Chú ý tới các chi tiết, quản lý tài chính, tính toán
- Một số nghề nghiệp điển hình: Kế toán viên, Kiểm toán viên, Thư ký, Nhân viên ngân hàng, Thủ thư, Nhân viên xử lý dữ liệu, Kỹ thuật viên, Nhân viên thống kê, Nhân viên văn thư, Các công việc hành chính – văn phòng…
Bạn có thể thực hiện Trắc nghiệm xu hướng nghề nghiệp Holland để nhận biết bản thân phù hợp với xu hướng nghề nghiệp nào nhất và từ đó đưa ra những quyết định lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng các xu hướng nghề nghiệp trong Mật mã Holland là các xu hướng “thuần” và mang tính tuyệt đối. Trên thực tế, tính cách của mỗi cá nhân và tính chất của các công việc có sự đa dạng, độc đáo hơn rất nhiều, thường là sự kết hợp đặc điểm của một vài xu hướng nghề nghiệp với nhau. Do vậy, khi thực hiện Trắc nghiệm Holland, bạn sẽ tìm thấy những đặc điểm tương đồng với bản thân ở khoảng ba xu hướng nghề nghiệp có điểm số cao nhất.