Sau khi bước chân ra khỏi cánh cửa trường học, công việc sẽ là thứ gắn bó với chúng ta trong suốt phần đời còn lại và có ảnh hưởng không nhỏ tới hạnh phúc của mỗi người trong cuộc sống. Bởi vậy mà quá trình phát triển nghề nghiệp cũng sẽ kéo dài gần như cả đời người, việc lên kế hoạch cho công việc/sự nghiệp và kỹ năng ra quyết định cũng trở nên đặc biệt cần thiết. Đây là một quá trình nhằm giúp mỗi cá nhân có được định hướng đúng đắn trên con đường sự nghiệp, có sự thích nghi và thay đổi phù hợp để đạt được hiệu quả cao nhất trong công việc cũng như phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Cho dù bạn đang đứng trước ngưỡng cửa đại học và cần phải lựa chọn một chuyên ngành để theo đuổi, hoặc bạn chuẩn bị tốt nghiệp và sắp gia nhập thị trường lao động, hay bạn đã đi làm và có thu nhập, thì 5 bước đơn giản dưới đây đều sẽ rất hữu ích để giúp bạn xây dựng được công việc/sự nghiệp mà mình mong muốn!
Bước 1: Đánh giá bản thân (Self-Assessment)
Đánh giá bản thân có nghĩa là nhận thức và hiểu về bản thân mình, điều này bắt đầu bằng việc hiểu bốn yếu tố sau đây: Tính cách, Năng lực/Kỹ năng, Sở thích và Giá trị.
– Tính cách: trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”
Tính cách là sự kết hợp những đặc điểm độc đáo của riêng bạn, có ảnh hưởng tới cách bạn suy nghĩ, hành động, ra quyết định và tương tác với thế giới xung quanh. Tính cách còn bao gồm cách bạn sử dụng, điều hướng năng lượng của mình, cách bạn ra quyết định và lựa chọn trong cuộc sống. Một công việc có thể là hoàn hảo đối với tính cách của người này, nhưng lại hoàn toàn không phù hợp với tính cách của người khác. Cuộc đời bạn cũng chính là sự nghiệp của bạn. Do vậy việc dành ra vài tháng, thậm chí vài năm để thấu hiểu bản thân sẽ giúp ích cho bạn trong cả cuộc đời. Bạn có thể thực hiện các bài trắc nghiệm tính cách như Big Five, MBTI, RIASEC…, hoặc quan sát bản thân trong nhiều trường hợp khác nhau. Ngoài ra, bạn hãy tự đặt ra và dành thời gian trả lời những câu hỏi sau đây:
- Điểm mạnh trong tính cách của tôi là gì? Điểm yếu trong tính cách của tôi là gì?
- Phong cách làm việc/học tập của tôi là gì?
- Mức độ tương tác với người khác mà tôi cảm thấy phù hợp với bản thân mình trong công việc như thế nào? Tôi thích làm việc với nhiều người, làm việc trong nhóm nhỏ hay làm việc độc lập?
- Tôi thích làm những công việc mang tính sáng tạo và cần nhiều trí tưởng tượng, hay tôi thích giải quyết các vấn đề thực tế, chi tiết, có thể đo đếm được?
- Tôi thích các công việc ngồi một chỗ cố định hay các công việc cần hoạt động nhiều, tương tác nhiều? Tôi thích các công việc cần nhiều thời gian tự do suy nghĩ, nghiên cứu hay các công việc có thời hạn rõ ràng?
- Tôi thích là người ở vị trí lãnh đạo, quản lý, ra quyết định hay làm việc theo chỉ thị, chỉ dẫn từ người khác/cấp trên?
– Năng lực/Kỹ năng: trả lời cho câu hỏi “Tôi giỏi trong việc gì?”
Năng lực/Kỹ năng là những gì mà bạn làm tốt. Những kỹ năng mà bạn có được một cách tự nhiên, không cần quá nhiều cố gắng thường được gọi là năng khiếu hay tài năng thiên bẩm. Bên cạnh đó cũng có những kỹ năng mà bạn phát triển thông qua các trải nghiệm và sự học hỏi, luyện tập. Tuy nhiên, dù là kỹ năng bẩm sinh hay kỹ năng học hỏi thì việc luyện tập vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ví dụ, bạn có thể có năng khiếu trong việc chơi nhạc cụ, nhưng nếu thiếu đi sự luyện tập, học hỏi và phát triển, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp.
Rất nhiều kỹ năng có tính linh hoạt – nghĩa là có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, được gọi là kỹ năng mềm. Ví dụ như: kỹ năng giao tiếp có giá trị đối với tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và các vị trí công việc khác nhau. Bên cạnh đó cũng có các kỹ năng cứng, là các kỹ năng liên quan tới lĩnh vực chuyên môn nhất định và đạt được thông qua quá trình học tập, giáo dục và rèn luyện. Ví dụ như: kỹ năng sử dụng các thiết bị trong phòng thí nghiệm. Điều quan trọng là bạn cần dành thời gian để nhận biết các kỹ năng mình giỏi và đánh giá kết nối của những kỹ năng đó đối với những nghề nghiệp mà bạn lựa chọn. Bạn hãy quan sát bản thân trong quá khứ, hiện tại và ghi chép lại nếu có thể, hoặc thực hiện những bài kiểm tra đánh giá năng lực như IQ, EQ, Đa trí thông minh… Ngoài ra, bạn hãy dành thời gian trả lời các câu hỏi sau đây:
- Năng khiếu của tôi là gì? Tôi thường làm tốt điều gì?
- Tôi thường nhận được đánh giá cao/lời khen ngợi của người khác khi làm việc nào?
- Tôi có thể học hỏi/thực hành nhanh những kiến thức gì?
– Sở thích: trả lời cho câu hỏi “Tôi thích/không thích điều gì?”
Sở thích là những gì mà bạn cảm thấy thích thú khi làm hay học hỏi về nó. Bạn có thể có rất nhiều sở thích ở các lĩnh vực khác nhau, hoặc chỉ có một vài sở thích ở những lĩnh vực tập trung nhất định. Sở thích của bạn cũng có thể thay đổi theo thời gian khi bạn được tiếp xúc với những kiến thức mới, có những trải nghiệm mới, và khi bạn phát triển qua các giai đoạn của cuộc đời. Hãy nhớ rằng có một vài sở thích của bạn mang tính giải trí cá nhân, và có những sở thích có thể hỗ trợ định hướng sự nghiệp. Điều quan trọng mà bạn cần làm là nhận diện cả hai loại sở thích này, bởi vì sẽ có rất nhiều cách để kết hợp các sở thích cá nhân của bạn vào trong công việc, sự nghiệp, một cách trực tiếp hay gián tiếp. Việc tự quan sát những sở thích của mình, và xem xét sự liên quan của chúng với những kỹ năng mà bạn có, với tính cách của bạn là một bước quan trọng trong quá trình tự đánh giá. Hãy sử dụng những câu hỏi dưới đây để hỗ trợ bạn:
- Tôi thường bị thu hút bởi các lĩnh vực/kiến thức/hoạt động nào? Điều gì khiến tôi cảm thấy bị thu hút bởi những thứ này?
- Tôi thường thích làm gì trong thời gian rảnh rỗi?
- Những vấn đề hay kiến thức nào quan trọng đối với tôi?
- Đã có khi nào tôi bị cuốn vào một công việc đến mức không để ý tới thời gian và các hoạt động xung quanh chưa? Khi đó tôi đang làm việc gì?
- Tôi cảm thấy hạnh phúc khi làm công việc/hoạt động nào?
- Nếu tôi có thể được học về bất cứ thứ gì (không bị cản trở về tài chính, thời gian,…), tôi muốn học điều gì?
- Nếu có ai đó trao cho tôi một phần thưởng về những thành tựu mà tôi đạt được, tôi muốn người đó nói gì về mình, phần thưởng đó là về thành tựu gì?
– Giá trị: trả lời cho câu hỏi “Điều gì là quan trọng đối với tôi?”
Giá trị là những tiêu chuẩn, quy tắc hay phẩm chất có ảnh hưởng tới các lựa chọn trong suốt cuộc đời bạn và cung cấp các chỉ dẫn cho bạn để đánh giá các lựa chọn. Việc quan sát các giá trị của bản thân và đưa ra các quyết định lựa chọn phù hợp dựa trên các giá trị đó là yếu tố then chốt đối với sự thỏa mãn trong công việc. Bạn cần thiết phải xác định các giá trị có ý nghĩa đối với bản thân mình. Ví dụ như: “tạo nên sự khác biệt” là một giá trị trong nghề nghiệp mà rất nhiều người hướng tới. Tuy nhiên giá trị này có ý nghĩa đối với mỗi người như thế nào thì lại rất khác nhau. Bạn muốn tạo sự khác biệt trong việc bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên, hay trong việc giúp mọi người tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hay trong việc cải cách chính sách nhập cư, hay trong việc tạo ra các sản phẩm chất lượng về âm nhạc,…? Một lần nữa, quan sát bản thân và ghi chép lại sẽ giúp bạn dần có cái nhìn rõ ràng hơn về những giá trị của mình trong cuộc sống nói chung và trong công việc nói riêng.
Bước 2: Nhận diện và Nghiên cứu các lựa chọn (Identify and Research options)
Có những nghề nghiệp rất phổ biến trong xã hội mà bất kỳ người nào cũng biết, ví dụ như bác sĩ, giáo viên, luật sư… Tuy nhiên trên thực tế, có hàng ngàn công việc khác được tạo ra mỗi ngày cùng với sự phát triển của xã hội và thị trường lao động. Một khi bạn đã hoàn thành việc tự đánh giá bản thân trên các yếu tố tính cách, kỹ năng, sở thích và giá trị, thì đây là lúc mà bạn bắt đầu dành thời gian khám phá các lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Hãy đi theo sự tò mò của bạn và đừng giới hạn mình trong những nghề nghiệp bạn cảm thấy quen thuộc.
Các thông tin cần thiết cho công cuộc khám phá nghề nghiệp này có thể thu được từ rất nhiều nguồn khác nhau thông qua internet, websites, mạng xã hội, các trung tâm tư vấn nghề nghiệp, các diễn đàn, hội thảo chuyên ngành, báo chí truyền thông, các tổ chức chuyên môn, các học giả, người có nhiều kinh nghiệm trong ngành… Kiến thức về bản thân mà bạn thu được qua quá trình tự đánh giá ở bước một sẽ rất hữu ích trong việc nhận diện các lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bạn. Hãy cố gắng tìm hiểu các khao khát nghề nghiệp của mình, xác định các mục tiêu cá nhân và tận dụng các nguồn lực sẵn có để đạt được chúng.
Bước 3: Đánh giá và Ưu tiên để đưa ra quyết định (Evaluate and Prioritize)
Sau khi nghiên cứu các lựa chọn nghề nghiệp và có được hiểu biết tổng quan cũng như cụ thể về những nghề nghiệp phù hợp, bước tiếp theo của bạn là đánh giá. Bạn cần liệt kê và cân nhắc các ưu điểm và nhược điểm của nghề nghiệp đó, xem xét mức độ tương ứng của những yếu tố đó với con người bạn (tính cách, giá trị, sở thích, kỹ năng) và với những gì bạn mong muốn. Hãy sử dụng những câu hỏi dưới đây để định hướng cho mình:
- Phản ứng ban đầu của tôi đối với ngành nghề/lĩnh vực đó sau khi tìm hiểu?
- Điều gì làm tôi cảm thấy hứng thú đối với lĩnh vực đó? Điều gì không làm tôi cảm thấy hứng thú? Hãy liệt kê những ưu điểm và nhược điểm?
- Có thông tin nào mà tôi tìm hiểu được làm tôi cảm thấy ngạc nhiên không? Tôi có học được thêm điều gì về lĩnh vực đó sau khi tìm hiểu mà trước đó tôi không hề biết? Kiến thức mới này có ảnh hưởng như thế nào đối với suy nghĩ của tôi lĩnh vực nghề nghiệp này?
- Kỹ năng, kiến thức hay trải nghiệm nào mà tôi cần giỏi khi hoạt động trong lĩnh vực này? Tôi có đủ hứng thú đối với lĩnh vực đó để phát triển thêm kỹ năng hay kiến thức không?
- Với bất kỳ lĩnh vực nghề nghiệp nào, luôn luôn xuất hiện một loạt những kiến thức và kỹ năng cần phát triển để có thể thực hành thành thạo. Tôi có sẵn sàng dành đủ thời gian và nỗ lực rèn luyện các kỹ năng, kiến thức này để trở nên thành công và đạt được thành tựu trong lĩnh vực đó không? Sự hứng thú của tôi đối với lĩnh vực này ổn định hay chỉ là thoáng qua?
- Cân nhắc những gì mà bạn tìm hiểu được qua quá trình tự đánh giá bản thân. Có những khía cạnh nào thuộc nghề nghiệp này phù hợp với con người bạn hơn những nghề nghiệp khác?
- Bạn có nghĩ rằng bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn khi làm trong lĩnh vực hay vị trí này? Tại sao và tại sao không?
- Bạn cần phải có sự thích nghi như thế nào đối với lĩnh vực nghề nghiệp này? Trên thực tế, không có nghề nghiệp nào phù hợp với bạn 100%, chắc chắn sẽ có những khía cạnh nghề nghiệp mà bạn không mong muốn. Tuy nhiên phần trăm những điều không mong muốn ấy có ở trong mức độ chấp nhận được của bạn hay không, hay nó sẽ ảnh hưởng tới sự thỏa mãn nghề nghiệp lâu dài của bạn?
Nếu như sau quá trình nghiên cứu và đánh giá, bạn thấy rằng có những lĩnh vực nghề nghiệp không phải dành cho mình, thì điều này hoàn toàn bình thường. Sau tất cả, mục đích của bước này là nhằm giúp bạn tìm ra được một lĩnh vực tương ứng với bản thân. Nếu không phù hợp ở lĩnh vực này, hãy bỏ qua nó và tìm hiểu lĩnh vực khác. Còn nếu như bạn không có ấn tượng mạnh mẽ ở bất cứ lĩnh vực nào, thì bạn cần thực hiện một số cuộc phỏng vấn với những người đang làm việc trong ngành để có thêm góc nhìn, hoặc thử một số công việc thực tập, làm thêm để có được trải nghiệm cần thiết. Hãy nhớ rằng các vị trí thực tập/làm thêm này có thể có các yếu tố ít được bạn mong đợi hơn, nhưng nếu như đây là bước đi đầu tiên trong việc xây dựng sự nghiệp bạn mong muốn, thì nó có thể xứng đáng để thực hiện. Bạn cần phải nghĩ xa hơn việc có được công việc đầu tiên, và hướng tới các vị trí lâu dài để xây dựng sự nghiệp.
Sau khi thực hiện ba bước đầu tiên (Đánh giá bản thân, Khám phá các lựa chọn, Đánh giá và ưu tiên các lựa chọn), thì đã đến lúc bạn hành động và tạo ra các trải nghiệm cho mình trong lĩnh vực bạn muốn theo đuổi.
Bước 4: Hành động và Thử các lựa chọn (Take actions and Try options)
Quá trình thu thập và phân tích thông tin rất quan trọng, nhưng sẽ không đem lại giá trị cho bạn nếu như không có bất kỳ hành động nào được thực hiện. Vì vậy mà bước thứ tư này đóng vai trò đặc biệt cần thiết, giúp bảo đảm bạn đi đúng hướng trên con đường nghề nghiệp mong muốn. Từ những thông tin đã có, bạn cần đặt ra mục tiêu cũng như lên một kế hoạch hành động để phát triển nghề nghiệp, sau đó cố gắng bám sát kế hoạch mà mình đã đề ra.
Bước 4.1: Đặt mục tiêu
Bất kể bạn có mong muốn đạt được mục tiêu như thế nào, đừng chỉ dừng lại ở việc suy nghĩ trong đầu mà hãy viết ra giấy, như vậy bạn có thể trực tiếp nhìn thấy điều bạn muốn và sẽ có động lực hơn để phấn đấu. Khi đặt mục tiêu, hãy lưu ý sử dụng các tiêu chí SMART để đạt hiệu quả tối ưu, bao gồm:
* S-specific: Cụ thể, chi tiết
* M-measurable: Có thể đo đếm được
* A-attainable: Nằm trong khả năng của mình, có thể thực hiện được
* R-realistic: Thực tế
* T-time based: Đặt ra dưới thời hạn nhất định
Các mục tiêu đặt theo tiêu chí SMART sẽ giúp bạn có cơ sở để thiết kế một kế hoạch hợp lý, phù hợp với khả năng, thời gian và nỗ lực mà bạn bỏ ra để xây dựng sự nghiệp mong muốn. Một số câu hỏi khác cần quan tâm trong giai đoạn này giúp bạn đặt mục tiêu bao gồm:
– Nghề nghiệp mà tôi mong muốn cần những kỹ năng cứng và kỹ năng mềm gì?
– Tôi đã có được các kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp mình muốn chưa? Làm thế nào để tôi có thể rèn luyện/cải thiện các kỹ năng mà công việc/nhà tuyển dụng cần?
– Những kiến thức nào là cần thiết và quan trọng trong nghề nghiệp mà tôi muốn?
– Làm thế nào tôi có thể đạt được những kiến thức đó?
Có nhiều cách khác nhau để giúp bạn thu thập thông tin, kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm trong công việc. Ví dụ như đọc các lời khuyên nghề nghiệp, hoặc nói chuyện với người đang làm trong ngành sẽ cung cấp cho bạn những góc nhìn sâu sắc và có giá trị. Ngoài ra bạn còn có thể làm các công việc bán thời gian, đăng ký trở thành tình nguyện viên, gia nhập các câu lạc bộ chuyên môn, tham gia các công việc hè ngắn hạn, tham gia các tổ chức phi chính phủ,… Thử các vị trí công việc khác nhau trong lĩnh vực mình muốn thông qua cơ hội thực tập, làm thêm hay các hoạt động ngoại khóa sẽ cho bạn được tiếp xúc thực sự với nghề, từ đó có những góc nhìn trực tiếp và thực tế hơn. Hơn nữa, các công việc thực tập sẽ cho phép bạn phát triển những kỹ năng mềm dẻo, linh hoạt để hỗ trợ cho các cơ hội trong tương lai.
Nghiên cứu từ Hiệp hội Quốc gia các trường Đại học và Nhà tuyển dụng (NACE) đã đưa ra kết quả: Các sinh viên có trải nghiệm thực tập thường nhận được việc làm sau khi tốt nghiệp sớm hơn các sinh viên không có trải nghiệm này. Nghiên cứu của NACE cũng cho thấy sinh viên với kinh nghiệm thực tập có xu hướng đạt được mức lương khởi điểm cao hơn những sinh viên không có kinh nghiệm. Một số lợi ích tuyệt vời mang lại cho bạn thông qua việc thực tập có thể kể đến như:
– Giúp bạn hiểu hơn về bản thân mình
– Làm đẹp hồ sơ xin việc của bạn
– Giúp bạn gây ấn tượng trong các vòng phỏng vấn tuyển dụng
– Tăng sự tự tin của bạn trong công việc
– Cải thiện khả năng giao tiếp của bạn
– Giúp bạn chứng minh bản thân với thế giới nghề nghiệp thực tế
– Mở rộng các mối quan hệ nghề nghiệp
– Giúp bạn thu thập các thông tin về nghề nghiệp
– Giúp bạn phát triển các thói quen làm việc
– Cho thấy khả năng vận dụng, thực hành, hành động của bạn
Bạn cần liệt kê tất cả những kỹ năng/kiến thức mà bạn cần học và cách đạt được các kỹ năng/kiến thức đó để có định hướng rõ ràng cho bản thân khi xây dựng sự nghiệp.
Bước 4.2: Lên kế hoạch
Sau khi đã nắm vững cách đặt mục tiêu và hiểu mình phải học gì, làm gì, bạn cần lên kế hoạch ngắn hạn – thực hiện trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm, và kế hoạch dài hạn – thực hiện trong vòng từ 3-5 năm. Việc chia nhỏ kế hoạch từ dài hạn thành ngắn hạn sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc thực hiện và theo sát kế hoạch đã đề ra.
Một ví dụ về cách lên kế hoạch cho một sinh viên đại học mà bạn có thể tham khảo như sau:
- Kế hoạch dài hạn: Trở thành một luật sư sau 5 năm.
- Kế hoạch ngắn hạn:
- Năm thứ Nhất: Đỗ Đại học Luật với điểm đầu vào cao, đỗ vào chương trình hệ Chất lượng cao.
- Năm thứ Hai: Hoàn thành tốt việc học trên trường với điểm số cao và đạt học bổng.
- Năm thứ Ba: Tham gia các cuộc thi hùng biện và gia nhập Câu lạc bộ chuyên môn.
- Năm thứ Tư: Đi thực tập tại một Văn phòng luật sư và Bảo vệ xuất sắc Khóa luận tốt nghiệp.
- Năm thứ Năm: Chính thức làm việc trong một Văn phòng luật sư.
Từ những gạch đầu dòng lớn này, bạn tiếp tục chia nhỏ kế hoạch theo từng ngày, từng tuần, từng tháng để theo dõi tiến độ của bản thân. Bạn có thể treo kế hoạch của mình ở nơi dễ nhìn thấy trong phòng, cạnh góc học tập, làm việc để luôn nhắc nhở bản thân về mục tiêu của mình.
Bước 5: Tự phản ánh và Đánh giá lại (Reflect and Re-evaluate)
Bước cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là bạn cần thường xuyên đánh giá lại các quyết định nghề nghiệp của mình để xem mức độ phù hợp của chúng với tính cách, sở thích, khả năng và giá trị mà bạn sở hữu. Theo thời gian, sẽ có những giai đoạn của quá trình phát triển nghề nghiệp cần được lặp lại, bởi vì sở thích, giá trị và ưu tiên của bạn sẽ thay đổi khi bạn có những kiến thức và trải nghiệm mới. Điều này sẽ ảnh hưởng tới suy nghĩ, quan niệm trước đây của bạn về các quyết định nghề nghiệp, tức là có thể trong quá khứ bạn từng rất thích một nghề, nhưng hiện tại bạn không còn hứng thú với nghề nghiệp đó sau khi đã đi làm thực tế một thời gian hoặc có thêm hiểu biết về nghề đó.
Việc thay đổi nhận thức của bản thân về một nghề nghiệp không phải là điều xấu, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng sự nghiệp. Tuy nhiên, việc thay đổi quá thường xuyên nhận thức, sở thích nghề nghiệp thường không được khuyến khích, bởi vì bạn cần thời gian và nỗ lực để có đủ trải nghiệm cũng như hiểu được toàn bộ về một nghề. Trên thực tế, không có nghề nghiệp nào phù hợp tuyệt đối với tính cách, sở thích, giá trị, năng lực của bạn, chắc chắn sẽ có những mặt bạn thích và không thích. Do vậy khi chưa hiểu đầy đủ về một nghề mà bạn đã có cảm giác chán nản, muốn thay đổi, chỉ nhìn thấy những mặt không phù hợp, thì bạn cần kiên nhẫn hơn và quyết tâm hơn với lựa chọn nghề nghiệp của mình. Lí do là bởi khi này bạn đang nhìn nghề nghiệp ở một góc nhìn phiến diện, và có thể đặc điểm phù hợp của nghề với bạn vẫn chưa được bạn khám phá hết.
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CẦN LƯU Ý
Trong quá trình phát triển nghề nghiệp, bạn cần lưu ý một số điểm sau đây:
- Phát triển nghề nghiệp là một quá trình kéo dài và mang tính chủ động, chứ không phải là một sự kiện ngắn hạn.
- Việc lựa chọn một chuyên ngành ở đại học không quyết định trước toàn bộ sự nghiệp của bạn – còn rất nhiều con đường nghề nghiệp mà bạn sẽ có cơ hội khám phá trong tương lai dựa trên kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng bạn thu thập được.
- Những ưu tiên, sở thích và kỹ năng của bạn có thể thay đổi theo thời gian.
- Sự phát triển nghề nghiệp và việc đưa ra quyết định sẽ cần thời gian, không thể hoàn thành trong một sớm một chiều.
- Khi triển khai kế hoạch hành động về nghề nghiệp, hãy luôn ghi nhớ mục tiêu cuối cùng của bạn là gì – quyết định xem con đường nào bạn muốn theo đuổi thực sự.
- Tất cả các trải nghiệm của bạn, cho dù có liên quan tới nghề nghiệp hay không, đều có ảnh hưởng tới các quyết định nghề nghiệp của bạn.
- Luôn giữ một tâm thế và suy nghĩ cởi mở trước tất cả các cơ hội đến với bạn.
- Không có nghề nghiệp nào đáp ứng được mọi mong muốn của bạn – hãy chọn nghề nghiệp phù hợp nhất với bạn (nghề nghiệp bạn có thể chấp nhận được những điểm bạn không thích).