Một điều thú vị đang xảy ra trong môi trường làm việc ở thời đại 4.0: Công nghệ ngày càng phát triển, máy móc và tự động hóa ngày càng hoạt động hiệu quả hơn và dần thay thế con người trong các công việc tay chân đơn giản, thậm chí cả các công việc tính toán, lưu trữ, kiểm tra dữ liệu. Lúc này, nhiều người mới nhận ra tầm quan trọng của các Kỹ năng Xã hội, bởi chỉ con người mới phát triển được những kỹ năng này để thực hiện các công việc phức tạp hơn và tận dụng sức mạnh công nghệ. Một trong số những kỹ năng quan trọng trên chính là EQ – trí Thông minh Cảm xúc.
Bạn có nhận biết được những cảm xúc mình đang trải nghiệm ngay lúc này ? Bạn có khả năng kiểm soát những cảm xúc đó không? Bạn có thể tự động viên bản thân hoàn thành những công việc khó khăn hay thử thách không? Bạn có thể nhận ra cảm xúc của những người xung quanh để ứng xử phù hợp hay không?
Nếu như câu trả lời của bạn đều là có, thì chắc hẳn bạn đã phát triển được một số kỹ năng quan trọng hình thành nên trí thông minh cảm xúc rồi đấy!
THÔNG MINH CẢM XÚC (EQ) LÀ GÌ?
Thông minh cảm xúc (EQ) hiểu một cách đơn giản là khả năng nhận diện cảm xúc của bản thân và của người khác, sau đó sử dụng các kiến thức này để định hướng suy nghĩ và hành vi phù hợp. Những người sở hữu chỉ số EQ cao có xu hướng hòa đồng, thân thiện, giàu lòng trắc ẩn và sự đồng cảm. Vì vậy, họ cũng thường là những người có khả năng thành công cao hơn khi so sánh với đồng nghiệp hay bạn bè đồng trang lứa. Đó chính là lý do khiến Thông minh cảm xúc trở thành một trong những kỹ năng có giá trị và đáng để học hỏi nhất trong thời đại ngày nay.
Khái niệm Thông minh cảm xúc (EQ) lần đầu tiên được định nghĩa bởi hai nhà tâm lý học Mayer và Salovey. Trong đó, EQ liên quan tới khả năng của cá nhân trong việc nhận thức, xử lý và điều hòa các cảm xúc một cách chính xác, hiệu quả, với chính bản thân họ và với những người xung quanh. Người sở hữu EQ cao nắm bắt được những điều này để kiểm soát suy nghĩ, hành động của bản thân, cũng như tạo ảnh hưởng lên người khác.
EQ bắt đầu nhận được nhiều sự quan tâm và trở nên nổi tiếng sau khi nhà tâm lý học Daniel Goleman ra mắt cuốn sách: “Emotional Intelligence: Why it can matter more than IQ”. Trong đó, Goleman đề cập tới năm khía cạnh khác nhau của EQ:
- Sự tự nhận thức (Self-Awareness): Là khả năng thấu hiểu bản thân, biết được điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách, cảm xúc và phản ứng của mình trong những tình huống khác nhau. Người có năng lực tự nhận thức cao thường có tinh thần cầu tiến, sẵn sàng đón nhận những góp ý, và luôn học hỏi từ người xung quanh.
- Sự tự chủ (Self-Regulation): Là khả năng điều khiển các cảm xúc và thích nghi với hoàn cảnh. Người có năng lực tự chủ cao thường kiểm soát tốt các mâu thuẫn, linh hoạt với những thay đổi và đảm nhận nhiều trách nhiệm trong công việc.
- Động lực (Motivation): Là khả năng tự động viên bản thân, tập trung vào các mục tiêu và giá trị cá nhân thay vì những phần thưởng bên ngoài. Người có Động lực cao thường tựđặt ra các mục tiêu trong cuộc sống và cam kết, nỗ lực để đạt được các mục tiêu này. Họ cũng là những người tập trung, kiên trì và lạc quan.
- Sự đồng cảm (Empathy): Là khả năng nhận diện và thấu hiểu cảm xúc của những người xung quanh, cũng như cân nhắc những cảm xúc này khi ứng xử trong các tình huống xã hội. Sự đồng cảm cũng cho phép cá nhân hiểu được các yếu tố ảnh hưởng tới các mối quan hệ, từ đó giúp điều hòa mối quan hệ tốt hơn.
- Kỹ năng xã hội (Social Skills): Là khả năng kiểm soát cảm xúc của những người xung quanh thông qua việc đồng điệu, kết nối, và sử dụng các kỹ năng như: lắng nghe tích cực, chủ động, giao tiếp bằng lời và giao tiếp không lời (cử chỉ, ký hiệu…). Các kỹ năng này giúp tạo lập sự tin tưởng và tôn trọng giữa các cá nhân với nhau.
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA IQ VÀ EQ
Chắc hẳn chúng ta đều quen thuộc với IQ – trí thông minh logic. Đây là chỉ số thể hiện năng lực cá nhân về mặt trí tuệ, tư duy, khả năng nắm bắt thông tin, học tập, ghi nhớ và áp dụng kiến thức lĩnh hội được. Những người có chỉ số IQ cao có thể tạo ra các kết nối thần kinh trong não bộ dễ dàng hơn và có khả năng tư duy trừu tượng tốt. Các năng lực khác được thể hiện qua chỉ số IQ bao gồm:
- Quá trình xử lý hình ảnh và không gian
- Kiến thức về thế giới xung quanh
- Khả năng lập luận ngôn từ
- Trí nhớ làm việc và trí nhớ ngắn hạn
- Khả năng lập luận dựa trên dữ liệu, số liệu
Tuy nhiên, EQ – thông minh cảm xúc lại rất khác biệt. So với IQ, EQ là khả năng nhận thức, kiểm soát, đánh giá và biểu lộ cảm xúc. Các khả năng được thể hiện qua chỉ số EQ bao gồm:
- Nhận diện các loại cảm xúc khác nhau của bản thân
- Điều khiển, kiểm soát cảm xúc cá nhân
- Nhận thức được cảm xúc của người khác
- Đánh giá cảm nhận của những người xung quanh
- Sử dụng cảm xúc để tạo thuận lợi cho các mối quan hệ hay giao tiếp xã hội
- Biểu lộ mức độ quan tâm và đồng cảm với người xung quanh
EQ ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO TỚI MỨC ĐỘ THÀNH CÔNG TRONG CUỘC SỐNG?
Trước đây, trí thông minh IQ thường được coi trọng hàng đầu và nhìn nhận như chỉ số duy nhất quyết định khả năng thành công của một người. Những người sở hữu IQ cao được cho là sẽ có một cuộc sống với nhiều thành tựu. Các nhà khoa học cũng từng tranh cãi về việc trí thông minh IQ là sản phẩm đến từ bẩm sinh, di truyền do cấu tạo gene, hay là sản phẩm được tạo ra bởi môi trường và giáo dục. Tuy nhiên, sau đó đã có nhiều chỉ trích cho rằng việc sở hữu IQ cao không đảm bảo khả năng thành công trong cuộc sống. Lí do là bởi xã hội được xây dựng dựa trên các mối tương tác giữa con người với con người. Một người có chỉ số IQ cao nhưng không thể hòa hợp với những người xung quanh, khó hợp tác trong công việc, khó xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp thì cuối cùng cũng khó đạt được thành công. Hơn nữa, nhiều nhà khoa học cũng cho rằng IQ chỉ là một thước đo hạn hẹp khi xét tới năng lực của con người.
Nếu như chỉ số IQ bị chi phối 1 phần bởi yếu tố bẩm sinh và khó thay đổi trong suốt cuộc đời, thì EQ lại là một kỹ năng mà chúng ta có thể rèn luyện để cải thiện. EQ bắt đầu phát triển trong giai đoạn thời thơ ấu của chúng ta, dựa trên cách mà chúng ta được giáo dục. Tuy nhiên khi lớn lên và trưởng thành, chúng ta có thể từng bước học hỏi để trở nên thông minh hơn về mặt cảm xúc. Cần lưu ý rằng EQ không phải là kẻ thù của IQ. Điều này có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể có chỉ số IQ cao và cả chỉ số EQ cao.
Công việc và cuộc sống của bạn có thể bị ảnh hưởng rất lớn bởi khả năng điều khiển cảm xúc, hay chỉ số EQ. Bất kỳ cộng đồng nào trong xã hội, từ gia đình cho tới nhóm bạn chơi cùng, lớp học, trường học, công ty,… đều là tổ hợp của những cá nhân khác nhau với những tính cách, thói quen, sở thích, khả năng và cảm xúc riêng biệt. Chính vì vậy, có được EQ cao đồng nghĩa với việc bạn dễ dàng hòa hợp được với mọi người hơn khi học tập và làm việc trong những cộng đồng này. EQ giúp chúng ta xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp và hiệu quả. Đồng thời, đó cũng chính là công cụ giải cứu mỗi khi chúng ta gặp những mâu thuẫn, tranh cãi trong các mối quan hệ. Ngoài ra, EQ còn có thể hỗ trợ chúng ta rất nhiều trong cuộc sống: từ việc chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần và sự hạnh phúc của bản thân, cho tới khả năng lãnh đạo và truyền cảm hứng tới những người xung quanh. Chính vì vậy mà giờ đây, EQ lại được coi là một trong những thành tố quan trọng nhất tạo nên mức độ thành công của một người. Thậm chí, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có IQ ở mức trung bình nhưng có EQ cao thể hiện kết quả công việc tốt hơn 70% so với những người chỉ có IQ cao.
Trong khi những người sở hữu năng lực EQ điều khiển linh hoạt cảm xúc của mình và có khả năng thích nghi tốt, những người có chỉ số EQ thấp hơn thường biểu lộ sự cứng nhắc và bảo thủ trong tính cách, cảm xúc, từ đó làm giảm khả năng hợp tác trong công việc. Ngày nay, các công ty cũng đã không còn quá chú trọng tới IQ – trí thông minh logic trong quá trình tuyển dụng. Thay vào đó, càng ngày nhà tuyển dụng càng ý thức được rằng người có EQ cao đồng nghĩa với khả năng làm việc nhóm tốt hơn – vốn là một hình thức làm việc không thể thiếu trong thời đại này. Các doanh nghiệp lớn của Mỹ đã từng bước áp dụng các bài kiểm tra EQ cho ứng viên đầu vào, và cho tới nay đã có khoảng 20% doanh nghiệp Mỹ đưa bài kiểm tra này vào quy trình tuyển dụng của họ. Có thể nói, ngay cả những người thông minh nhất cũng cần kỹ năng xã hội tốt để có thể thành công trong thị trường việc làm đầy biến động và cạnh tranh như ngày nay.
CÁCH ĐỂ CẢI THIỆN NĂNG LỰC EQ HIỆU QUẢ
Justin Bariso, tác giả của cuốn sách: “EQ Applied: A real-world approach to emotional intelligence” đã đưa ra 6 phương pháp đơn giản để giúp bạn cải thiện khả năng điều khiển cảm xúc của mình:
- Nhận diện cảm xúc của bạn: Đây là khi bạn bắt đầu phát triển năng lực tự nhận thức. Hãy suy nghĩ về những cảm xúc của mình, cách mình thường phản ứng trong các tình huống tích cực và tiêu cực. Khi bạn tự ý thức được cảm xúc và xu hướng phản ứng của bản thân, bạn sẽ bắt đầu có khả năng kiểm soát chúng tốt hơn.
- Hỏi những người xung quanh để có thêm góc nhìn: Những gì mà chúng ta ý thức được, coi là hiện thực đôi khi lại khác xa so với những gì mà người xung quanh chúng ta nhìn thấy. Hãy bắt đầu tham khảo ý kiến của những người xung quanh để hiểu cách mình ứng xử và bộc lộ cảm xúc trong các tình huống giao tiếp xã hội như thế nào nhé.
- Dừng lại một chút trước khi hành động: Việc suy nghĩ kỹ trước khi nói hay làm có thể không phải là thói quen của tất cả mọi người. Đây là một điều khó để thực hiện, nhưng bạn hãy cố gắng luyện tập để biến nó thành một thói quen nhé. Đây chính là giải pháp hiệu quả giúp bạn hạn chế những hành động, quyết định bốc đồng hay vội vã.
- Xây dựng sự đồng cảm bằng việc hiểu “nguyên nhân” của vấn đề: Bạn có thể cảm thấy vô cùng tức giận, thất vọng, buồn phiền vì thái độ, hành vi, cử chỉ của một ai đó. Tuy nhiên hãy sử dụng thói quen ở bước số 3, dừng lại một chút trước khi có bất kỳ phản ứng nào để suy nghĩ xem nguyên nhân thực sự đằng sau những cảm xúc và hành động của người đó là gì.
- Học hỏi từ những lời chỉ trích: Có lẽ không ai trong chúng ta thích nghe những lời chỉ trích. Nhưng việc lắng nghe không có nghĩa là đồng ý với những kết luận từ các chỉ trích đó. Hãy học cách lắng nghe để biết mình đã thể hiện hành vi và cảm xúc của bản thân như thế nào, vì sao những thái độ, hành vi đó lại dẫn tới các chỉ trích như vậy. Nếu bạn nhận thấy lỗi sai nằm ở phía bản thân mình, hãy thay đổi. Còn nếu đó là những lời chỉ trích mang tính công kích, hãy nhẹ nhàng bỏ qua, ít ra bạn cũng biết rằng người khác nghĩ gì về mình và sẽ học được cách điều hòa mối quan hệ đó.
- Luyện tập, luyện tập và luyện tập: Nâng cao chỉ số EQ không phải là việc làm ngày một ngày hai. Đó là cả một quá trình luyện tập, va chạm và tích lũy kinh nghiệm. Dù có thể mất thời gian, nhưng một khi bạn đã có được kỹ năng điều khiển cảm xúc trong tay, bạn sẽ thấy rằng mình còn nhận lại nhiều hơn thế!