Việc dễ dãi với tương lai của chính mình có thể không đưa đến hậu quả ngay lập tức, nhưng cuối cùng sẽ khiến chúng ta phải trả giá đắt, thậm chí làm hỏng cả một đời người. Nhìn lại nghiên cứu từ thực tế, khi thấy các bạn học sinh “tặc lưỡi cho qua’, không quan tâm tới ngành nghề, “gió thổi chiều nào theo chiều ấy” hoặc “cứ thi đã rồi tính”, “biết điểm rồi chọn đại một trường đại học là được”, MVN cảm thấy trăn trở. Bởi vì biết đâu trong tương lai, chính các bạn sẽ nằm trong những con số thống kê mới về tình trạng thất nghiệp của lao động trẻ?
NGHIÊN CỨU THỰC TẾ VỀ HƯỚNG NGHIỆP TẠI CÁC TRƯỜNG THPT
Theo một nghiên cứu của MVN vào năm 2019 – khảo sát hơn 280 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, thuộc 14 trường THPT trong địa bàn TP. Hà Nội:
– Có tới 90% học sinh chưa có định hướng rõ ràng cho tương lai, hơn 70% không biết mình thích gì, tới đâu hay tới đó. Qua kết quả nghiên cứu, MVN có thể phân loại Mức độ nhận thức của học sinh trong việc định hướng ngành nghề theo 3 nhóm sau đây:
– Các bạn học sinh dù học trường chuyên hay trường thường, trường công lập hay ngoài công lập, học lực giỏi, khá hay trung bình đều có những khó khăn trong quá trình định hướng nghề nghiệp.
- Đa phần các bạn không hiểu rõ tính cách, điểm mạnh, điểm yếu, sở thích và năng lực của bản thân, lựa chọn ngành nghề theo cảm tính mà không có sự tìm hiểu sâu.
- Khi được hỏi “Em có biết ngành này sau khi ra trường sẽ làm công việc như thế nào không?”, 90% các bạn trả lời rằng “Em chưa tìm hiểu” hoặc “Em không biết”.
- Một số ít bạn đã có sự nhận thức bản thân tốt thì lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin chi tiết về ngành nghề mà bạn quan tâm. Thông tin trên mạng có rất nhiều, nhưng đa phần là thông tin chung chung, mang tính tham khảo, không sát với thực tế.
– 90% học sinh nói rằng cha mẹ tôn trọng và để các bạn tự quyết định tương lai của mình, không áp đặt. Tuy nhiên, chính bản thân các bạn lại gặp khó khăn trong việc lựa chọn ngành nghề vì thiếu sự định hướng. 100% học sinh có nhu cầu biết thêm thông tin về các ngành nghề và có nhu cầu được tư vấn, bao gồm:
- Biết thêm thông tin chi tiết về các ngành nghề trên thị trường: ưu điểm, nhược điểm, mô tả công việc, tố chất cần có, nơi đào tạo.
- Biết thêm thông tin về bản thân: tính cách, năng lực, tố chất có phù hợp với ngành đó hay không.
- Muốn được nghe kinh nghiệm của người làm trong ngành chia sẻ.
- Muốn được trải nghiệm thử nghề nghiệp.
– Khi được hỏi về Hướng nghiệp, có tới 95% học sinh hiểu sai về hướng nghiệp. Các bạn thường nhầm lẫn tư vấn hướng nghiệp với tư vấn du học, hoặc nhầm lẫn hướng nghiệp với hoạt động tuyển sinh của các trường đại học. Trong số đó, 80% chưa từng được nghe hoặc tham gia hoạt động hướng nghiệp bao giờ. Một số bạn nói rằng bố mẹ hoặc thầy cô chủ nhiệm có định hướng, tuy nhiên các bạn vẫn rất băn khoăn vì bản thân không hứng thú hoặc không có năng lực đối với ngành nghề đó.
CÓ BẰNG ĐẠI HỌC VẪN THẤT NGHIỆP NHƯ THƯỜNG?
– Trong một buổi tọa đàm hồi tháng 3/2019, “vị tướng đầu ngành giáo dục” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tỏ ra thực sự lo lắng trước con số: 30% cử nhân công nghệ thông tin ra trường làm được việc, còn lại 70% cử nhân phải đào tạo lại.
– Đại biểu quốc hội Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc Hội trăn trở: “Năm 2017 có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp, và có 80% sinh viên, cử nhân ra trường hiện nay đang chạy xe cho các hãng như Grab”.
– TS Đinh Công Khải, khoa Quản lý Nhà nước, trường ĐH Kinh tế TP. HCM cho rằng: “Chúng tôi nghĩ, sinh viên ra trường thất nghiệp là chuyện không bình thường, khi họ là nguồn nhân lực có trình độ mà phải làm trái ngành. Nhiều người còn tự hạ trình độ khi khai hồ sơ để xin vào làm công nhân tại các khu công nghiệp. Đây là sự thất bại của thị trường lao động“.
– Dựa theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành nghề.
– Theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: “Trong số các cử nhân ra trường, một phần nào đó không làm đúng ngành nghề thì nhiều người nghĩ cũng bình thường. Nhưng nếu con số đó là hàng nghìn người và tập trung làm ở một nơi như các hãng chạy xe lại là điều đáng phải suy nghĩ“.
Khi đọc những số liệu thống kê trên, chúng ta đều giật mình trước tình trạng chảy máu nhân lực như hiện nay. Vậy nguyên nhân đến từ đâu?
Bài báo của Ths. Nguyễn Thị Thu Trang (Trường ĐH Tài nguyên và môi trường HN): “Thực trạng thất nghiệp sau khi ra trường – Nguyên nhân và cách khắc phục” đăng trên Tạp chí Công thương tháng 08/2017 đã chỉ ra một số nguyên nhân sau:
- Không có định hướng nghề nghiệp trước khi học
Ở Việt Nam, việc chọn nghề phụ thuộc khá nhiều vào quyết định của các bậc phụ huynh. Với tâm lý luôn muốn che chở, bao bọc con, các bậc cha mẹ thường thiên về những ngành “an toàn”, mang lại danh tiếng, như kỹ sư, bác sĩ,… và con cái thì cũng thụ động, cha mẹ chọn ngành gì con học ngành đó. Mặt khác, xu hướng thị trường cũng là một điều đáng nói. Một số bạn trẻ còn có xu hướng chạy theo các nghề “hot” để theo kịp bạn bè, chứ không thực sự vì đam mê và đúng sở trường.
Những thông tin trên như là một hồi chuông cảnh báo cho thực trạng định hướng ngành nghề hiện nay khi mà các học sinh hầu như không có một định hướng nghề cho bản thân, không biết mình thích gì và có thể làm gì sau này, đâu là điểm mạnh và điểm yếu của bản thân? Không biết định hướng và lựa chọn cho mình ngành học phù hợp, học sinh rất dễ chọn sai nghề. Khi lên đại học sẽ dẫn đến tình trạng chán nản, kết quả học tập sút kèm, không có sự yêu thích và tâm huyết,… Vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp cho tương lai đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo dựng một sự nghiệp thành công.
- Sinh viên ra trường thiếu kỹ năng làm việc
Nhiều doanh nghiệp lớn cho biết: “Kỹ năng của sinh viên mới ra trường là chưa hình thành nếu không muốn nói là không có”. Sinh viên ra trường hiện nay có kiến thức nhưng thiếu kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng cần thiết để làm việc. Một số bạn trẻ còn cho rằng: Các nhà tuyển dụng chỉ cần tuyển người có năng lực chuyên môn, vi tính thành thạo, ngoại ngữ bằng A, B, C… Chính vì thế, các bạn đổ xô rủ nhau đi học hết bằng này tới bằng khác, khóa học này tới khóa học khác. Nhưng các bạn không hề biết rằng, chủ doanh nghiệp và công ty, nhất là các công ty nước ngoài luôn chú trọng đến các kỹ năng làm việc như: kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng làm việc theo nhóm, khả năng lập kế hoạch mục tiêu, xử lý nhanh những khó khăn trong tình huống bất ngờ, kỹ năng đàm phán, thuyết trình, quản lý thời gian, … Các bạn không biết rằng, trong môi trường công việc đầy cạnh tranh và năng động, trang bị tốt cho mình các kỹ năng mềm mới thực sự là yếu tố quyết định giúp bạn khác biệt và làm việc hiệu quả.
Mặc dù, quá trình tìm việc cũng không phải dễ dàng, trừ một số bạn có mối quan hệ rộng rãi hay được cha mẹ gửi gắm, số còn lại, đa phần các bạn vẫn còn thụ động trong quá trình tìm việc. Các bạn chưa tự tin vào bản thân, thiếu nghị lực và dũng cảm để đương đầu với những khó khăn. Thậm chí sau khi ra trường, có bạn vẫn còn chưa rõ mình thích làm nghề gì, thích làm công việc như thế nào. Bên cạnh đó, sự ảo tưởng về công việc trong tương lai, không chấp nhận làm những công việc bình thường, không biết tạo dựng mối quan hệ để trau dồi kiến thức, chia sẻ thông tin, thiếu sự linh hoạt, nhạy bén khi đi tìm việc cũng là những nguyên nhân quan trọng.
Ngoài ra, PGS.TS Lê Quang Cảnh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Sinh viên ra trường không kiếm được việc làm thì có nhiều lý do, trong đó có lý do từ các trường Đại học. Nhưng nếu coi đó là điểm yếu của giáo dục ĐH thì không công bằng cho hệ thống giáo dục ĐH bởi vì mấy lý do: Thứ nhất: Việc làm trên thị trường lao động thay đổi rất nhanh vì đó là thị trường, còn chương trình giáo dục trong trường ĐH thì không thể thay đổi nhanh như vậy. Thứ hai, giáo dục chỉ có thể cung cấp những kiến thức chung, còn kiến thức cụ thể cho từng lĩnh vực hay yêu cầu của từng phân khúc thị trường lao động doanh nghiệp phải do chính người lao động và doanh nghiệp trang bị. Nói như vậy để thấy rằng, sinh viên không kiếm được việc làm chưa hẳn là điểm yếu của hệ thống giáo dục ĐH mà điểm yếu nằm ở công tác dự báo xu hướng thay đổi của thị trường lao động, định hướng, hướng nghiệp cho người học và đào tạo để từ đó định hướng thị trường lao động.”
HƯỚNG NGHIỆP ĐÚNG ĐẮN – THAY ĐỔI TƯƠNG LAI
Chắc hẳn các bạn cử nhân đang trong tình trạng thất nghiệp không thể ngờ rằng mọi thứ bắt đầu từ 5 năm trước, khi các bạn đặt bút lên tờ giấy ghi nguyện vọng thi đại học. Việc dễ dãi với tương lai của chính mình có thể không đưa đến hậu quả ngay lập tức, nhưng cuối cùng sẽ khiến chúng ta phải trả giá đắt, thậm chí làm hỏng cả một đời người. Nhìn lại nghiên cứu từ thực tế, khi thấy các bạn học sinh “tặc lưỡi cho qua’, không quan tâm tới ngành nghề, “gió thổi chiều nào theo chiều ấy” hoặc “cứ thi đã rồi tính”, “biết điểm rồi chọn đại một trường đại học là được”, MVN cảm thấy trăn trở. Bởi vì biết đâu trong tương lai, chính các bạn sẽ nằm trong những con số thống kê mới về tình trạng thất nghiệp của lao động trẻ?
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” dưới Nghị quyết số 522/QĐ-TTg. Trong đó, Nghị quyết đã nêu rõ các nhiệm vụ:
– Đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông;
– Xây dựng trang thông tin về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; hình thành cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và thông tin, dữ liệu liên quan đến ngành, nghề;
– Kết nối giữa các trường phổ thông với cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực, hội nghề nghiệp, hội doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp;
– Tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp như: Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; Tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp; Các hoạt động giao lưu của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân…
Để giải quyết tích cực vấn đề, nhà trường và phụ huynh nên kết hợp cùng với các tổ chức giáo dục chuyên nghiệp, các doanh nghiệp trao đổi và định hướng nghề nghiệp phù hợp với từng học sinh, dựa trên việc phân tích tính cách, đặc điểm gia đình, sở thích…để đưa ra lời khuyên cho các em nên chọn ngành nào phù hợp với mình, có cơ hội việc làm tốt nhất và phát huy được năng lực cao nhất. Chính bản thân mỗi bạn học sinh cần thay đổi nhận thức ngay từ khi học trong trường THPT. Học sinh cần được định hướng để theo học những ngành nghề mà trong đó có sự đam mê, yêu thích của bản thân và phù hợp với khả năng, tính cách của mình.
Ngoài ra, để có thể đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng tương lai, bản thân học sinh cũng cần chủ động rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc sau này như: kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng làm việc theo nhóm, khả năng lập kế hoạch mục tiêu, xử lý nhanh những khó khăn trong tình huống bất ngờ, kỹ năng đàm phán, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng quản lý thời gian,…